Chào mừng bạn ghé thăm website chính thức của dòng họ nguyễn bá thôn quang chiêm

Phả ký

02 Th1, 2022 admin

VÀI NÉT VỀ DÒNG TỘC NGUYỄN PHÙNG

HÒA ĐÔNG – QUẢNG ĐẠI – SẦM SƠN – THANH HÓA

Thuật ngữ “Gia phả” là từ Hán Việt. Nói cho gọn nghĩa theo chữ Hán thì “Gia phả” 家譜 tức là sách chép lịch sử các thế hệ trong một gia tộc. Theo Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì Gia phả là quyển sách chép “Thế hệ lịch sử tổ tiên trong họ”. Nó là một cuốn lịch sử sống của gia tộc, ghi chép họ tên, tuổi, vai trò và công đức, mồ mả, ngày tạ thế từ các thế hệ một dòng họ. Đó là vấn đề hết sức quan trọng để con người ta biết được gốc tích, truyền thống cội nguồn của mình sinh ra và lớn lên theo dòng máu nào và từ đâu đến. Gia phả còn có gia huấn; quy ước của gia tộc; lời giáo; gia lễ; từ đường… tất cả là cơ sở hình thành nhân cách con người nói chung gắn với truyền thống riêng của từng dòng họ tộc nhất định. Mục đích ý nghĩa chủ yếu của gia phả là giáo dục cho con cháu hiểu rõ nguồn gốc của dòng họ mình, công lao của các đời trước để tu dưỡng, tiến bộ về mọi mặt, ngõ hầu làm rạng rỡ cho dòng họ mình. Một một đích khác thiết thực hơn, đó là là gia phả cho con cháu biết ngày mất của ông bà để nhớ cũng giỗ và vị trí của phần mộ ông bà để chăm sóc.

“Chim có tổ, người có tông; cây có cội nước có nguồn”. Đó là quy luật của tự nhiên, là đạo lý của con người. Đất nước có lịch sử của dân tộc, dòng họ phải có nguồn gốc tổ tiên. Dân tộc ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “yêu nước thương nòi”. Truyền thống gia tộc là khởi thủy ngọn nguồn, là nền tảng, là động lực cho hậu thế vươn tới tương lai. Trở về cội nguồn là đạo lý, tâm linh của con người. Đã từ rất lâu, do nhiều nguyên nhân, gia phả họ ta bị thất lạc. Nay cần phải phục dựng lại, nếu có sai thì sửa, không làm càng để lâu càng mai một.

Theo dòng lịch sử, chiến tranh triền miên, nghèo đói bùa vây, rồi thiên tai bão lũ đã làm cho những tài liệu nghi chép về họ ta bị thất lạc. Nhưng may mắn thay, phúc đức thay, nhờ ân đức tổ tiên mà chúng ta còn lưu lại được một bản tộc phả từ thời Thủy tổ đến đệ tứ tiên tổ do chi Nguyễn Dương lưu giữ. Sau này đã được 2 cụ Nguyễn Duy Mai và Nguyễn Duy Tiêu dày công biên dịch và phục dựng lại. Để tiếp nối công đức của 2 cụ, thế hệ tiếp theo cần nỗ lực hơn nữa trong việc phục dựng lại tư liệu về dòng họ. Để con cháu mai sau mãi ghi nhớ ân đức tổ tiên.

Theo cuốn gia phả chữ Hán-Nôm, được ghi lại vào “Hoàng triều Thành Thái Bát niên”. (Vua Thành Thái tại vị từ 1889-1907), nghĩa là cuốn Nguyễn Tộc Gia Phả Thực lục có thể được viết vào mùa xuân năm 1896. “Đệ thập nhất thế tôn thuận cẩn thư” có thể cụ viết bản gia phả này là tằng huyền tôn đời thứ 11 của cụ Chính Tiên Tổ.

Họ Nguyễn Phùng đến Nghiêm Phùng thôn từ bao giờ, từ đâu đến chưa rõ; những gạch nối, những sợi liên kết, đan xen trong đời sống tinh thần, nguồn gốc tổ tiên, tên tuổi, mồ mả… như thế nào đang là những dấu hỏi lớn đặt ra cần được làm sáng tỏ. Đó là trách nhiệm lớn lao của con cháu dòng họ Nguyễn Phùng thời nay phải ghi rõ trong phả ký, phả hệ. Đến nay, dòng họ đã có khoảng 18 đời và ước tính khoảng gần 400 năm kể từ Chính Tiên Tổ. Như vậy, dòng họ Nguyễn Phùng chúng ta có từ đầu thế kỷ XVII, vào khoảng năm 1600-1650, thời vua Lê Thần Tông, chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan.

Hàng năm, vào dịp lễ, tết và ngày kỵ húy của các vị tiên tổ, ở nhà thờ đều tổ chức lễ cúng. Thường mỗi năm một vài lần, họ có lễ tế ở nhà thờ vào dịp mùng Tám tháng Giêng tức là giỗ ông bà Chính tiên tổ và Tiên tổ cô; và hai lăm tháng Mười hàng năm, tức là lễ Thường Tân – cúng cơm mới.  Con cháu trong Họ ở khắp nơi về dự lễ tế tại nhà thờ. Việc sắm sửa tế phẩm, trù liệu các việc cho các lần tế lễ đều do Tộc trưởng Hội đồng gia tộc đảm nhiệm.

(trước- đang cập nhật)

Ất Hợi niên (1995), họ ta xây dựng lại tổ đường và biên soạn tộc phả

Mậu Dần Niên (1998), Cải tạo phần mộ của ông bà Chính tiên tổ, Tiên tổ cô.

(sau đang cập nhật)

Thờ phụng tổ tiên là một hình thức biểu thị lòng biết ơn tài bồi, gây dựng của tổ tiên, ông bà, ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, trở thành phong tục tốt đẹp, có tác dụng giáo dục sâu sắc. Mặt khác, cũng biểu thị tâm lý, niềm tin thiêng liêng ở sự trường cửu của con người, dòng họ; niềm tin vào đạo lý và vào sự bất tử của tổ tiên lâu đời đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt, trở thành thiêng liêng, trở thành một tín ngưỡng. Việc tìm hiểu, phát hiện những tiềm năng vật chất, tinh thần của dòng họ là vô cùng quan trọng, cấp thiết, để nâng cao đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của chúng ta, dìu dắt con cháu tiến tương lai tươi đẹp.

Do vậy, Họ Nguyễn Phùng với sự khởi xướng của các bậc cao niên vào những năm 90, đặc biệt là Cụ Nguyễn Văn Thăng, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Duy Tiêu, Nguyễn Duy Mai, Nguyễn Dương Thiện, Nguyễn Duy Bồn, Nguyễn Duy Tầm, Nguyễn Kim Khai, Nguyễn Huy Thịnh, Nguyễn Văn Vởn… rồi sau này như Bác Tiến, Bác Sơn, Chú Mong, San, Đát, Toàn, Nhất, Hà, Minh, Quyền… là người đã có nhiều công sức phục hồi lại các hoạt động thờ cúng tâm linh cho cả họ. Các ông, các bác các chú đã có nhiều công sức trong tổ chức các nghi thức cúng tế và biên soạn lại gia phả, cùng với sự đồng lòng của các con cháu trong họ đã cùng nhau đóng góp sức người, sức của xây dựng lại nhà thờ họ Nguyễn Phùng, đó cũng chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn, lá rụng về cội, là tâm linh của con người.

Kế thừa truyền thống họ ta, các con cháu của dòng họ ta ngày nay cũng tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ đến ân đức của tổ tiên theo nhiều cách khác nhau. Người góp công, người công đức, cung tiến v.v. Những công đức đó, đã thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa với tổ tông.

Nhìn chung, họ Nguyễn Phùng cho đến ngày hôm nay là một dòng họ đủ bản sắc Sĩ nông, công thương, binh. Những người nông dân lương thiện, chất phác, hiền lành, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ. Có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; các liệt sỹ và thương binh; các thành viên là quân nhân tham gia các chiến trường Quảng Trị, Tây Nam, Căm Pu Chia… thực sự đã đổ xương máu, mồ hôi tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng có một số người trở thành những cán bộ nòng cốt trong chính quyền, nhưng họ vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phác, mộc mạc. Hiện tại cũng có một số con cháu trong dòng họ ta thành công trên con đường học hành, đã có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ và Đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, nhiều các con cháu đang thành công trên con đường kinh doanh, sản xuất, thương mại dịch vụ.

Các bậc tiền nhân, các thế hệ con cháu đi trước đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân và các thế hệ con cháu trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ về sau, hy vọng sẽ giúp họ vượt qua những gian nan của cuộc sống để tiếp tục lập nên những kỳ tích, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.

Thay mặt Ban biên tập

Ngày 2/1/2022 (Tân Sửu)

Hậu duệ, Chi Nguyễn Văn, dòng họ Nguyễn Phùng, Nguyễn Văn Hải

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Tộc Gia Phả Thực Lục.
  2. Lời kể của các cụ cao niên trong dòng tộc.