Chào mừng bạn ghé thăm website chính thức của dòng họ nguyễn bá thôn quang chiêm

Tục lệ ghi tên vào gia phả

03 Th1, 2022 admin

Thời xưa, đối với cộng đồng: ngõ, xóm, làng xã, dòng họ… khi đặt tên cho con (đã được nhận giấy khai sinh), bố mẹ đứa trẻ phải làm lễ trình gia tiên, rồi sửa một lễ nhỏ tối trương họ xin ghi tên con vào sổ họ (tộc bạ).

Tên được ghi trong gia phả

Tất nhiên chỉ có đứa trẻ là con trai mới được thực hiện lễ thức này; còn đứa trẻ là con gái thì không được ghi tên vào sổ họ, coi như “nữ nhân ngoại tộc”- con gái thuộc họ khác, xa lạ (!) – vì sau này khi đi lấy chồng, người đàn bà được ghi tên vào gia phả nhà chồng (cũng có gia đình bên chồng cũng không ghi tên người vợ, mà chỉ ghi họ và chữ đệm, bên cạnh tên chồng. Ví dụ: chồng là Nguyễn Văn An, Vợ: Bùi Thị. Đó cũng là thiệt thòi rất phi lý cho phụ nữ ngày xưa).

Sổ họ cũng tức là tộc phả. Trong sổ này mỗi người được ghi rõ họ và tên (gồm họ, chữ đệm, tên) vào đúng từng vị trí: là con thứ mấy của bố nào, mẹ nào (bố mẹ cũng được ghi đủ cả họ, chữ đệm và tên) và gia đình ấy thuộc chi thứ mấy (tức là anh em chi trên, chi dưới, ngành nào). Những việc làm kể trên gọi là “vào họ”.

Tục lệ ghi tên vào gia phả ( Sổ họ)
Tục lệ ghi tên vào gia phả ( Sổ họ)

Từ ngày vào họ, đứa trẻ phải chịu sự đóng góp cho họ vào các dịp giỗ họ hoặc các việc công ích của họ (số tiền đóng góp không lớn, vì đây là suất trẻ con chỉ khoảng 1/3, 1/4 so với người lớn, rồi điều chỉnh tăng dần theo tuổi lớn của đứa trẻ, cho tới năm 18 tuổi thì đóng đủ một suất).

Các làng quê Việt Nam xưa đều chia thành các xóm, mỗi xóm lại chia thành nhiều ngõ. Các đơn vị này tồn tại trong một tổ chức của làng. Tuy nó không được xét về mặt hành chính, nhưng về tâm linh và tình cảm thì ngõ, xóm lại trực tiếp củng cố tình nghĩa láng giềng giữa những người làng với nhau. Trong cuộc sống thường nhật, họ giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt: “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”… đã trở thành những câu thành ngữ độc đáo của người Việt.

Ngoài việc vào họ, bố mẹ còn phải có cơi trầu tới ông trưởng ngõ, trưởng xóm xin cho con mình vào “hàng ngõ”, “hàng xóm”; rồi được ghi tên vào sổ của ngõ, xóm. Từ đó, đương nhiên đứa trẻ cũng bắt đầu có nghĩa vụ với ngõ, xóm và sẽ được hưởng mọi quyền lợi mà một thành viên của ngõ, xóm được hưởng.

Ở nông thôn xưa còn có tổ chức Giáp. Giáp là một tổ chức đặc thù bền vững của làng quê Bắc bộ. Giáp là một thứ tổ chức của nam giới ở nông thôn xưa. Giáp có trách nhiệm quản lý sổ đinh của làng, giúp các chức sắc của làng đôn đốc tạp dịch, sưu thuế ở nông thôn mà trai đinh phải gánh chịu. Làng nào đinh nhiều thì lực lượng sản xuất mạnh, lực lượng bảo vệ làng tốt (bảo vệ làng chống cướp lúa ngoài đồng, chống trộm cướp ở trong làng), bảo vệ an ninh cho làng.

Xuân thu nhị kỳ làng mở hội thì giáp chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức lễ hội: từ việc cúng tế, lễ lạt cho đến các trò chơi trong hội.

Làng mạnh hay yếu là tùy thuộc một phần quan trọng ở sổ đinh nhiều hay ít. Vì thế, đẻ con trai không chỉ là niềm vui của gia đình, dòng họ, mà còn là niềm vui của giáp, của làng.

Như vậy, các em bé trai sau khi ghi tên vào ngõ, xóm bố mẹ chúng còn phải trình giáp để xin cho cháu vào sổ đinh của hàng giáp. Tiếp đó lại phải vào làng để được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong làng. Thực ra, tuy ghi tên từ lúc sơ sinh, nhưng chỉ tới khi 18 tuổi thì người thanh niên mới thực sự hưởng quyền lợi và chịu nghĩa vụ đầy đủ của một trai làng.

Không phân biệt nam nữ

Ngày nay, trong chế độ mới xã hội chủ nghĩa, con người ở làng quê cũng như đô thị đều sống và làm việc theo pháp luật, xã hội được tổ chức chặt chẽ và văn minh: Gia đình nào sinh con thì trong khoảng thời gian quy định (từ 3 – 7 ngày) phải khai sinh, nhập hộ khẩu gia đình theo một trình tự nhất định. Cháu bé sinh tại bệnh viện hoặc trạm xá phải có giấy chứng sinh, nếu sinh tại gia đình cũng được thông báo với ngõ, xóm, làng xã; rồi thực hiện thủ tục khai sinh tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Trong chế độ xã hội mới, các cháu bé ra đời không phân biệt trai hay gái, đều được bình đẳng và được xã hội quan tâm chăm lo sức khỏe (tiêm chủng định kỳ, uống vắc xin theo lứa tuổi, khám và chữa bệnh không mất tiền…)*Những kiêng cữ không khoa học cũng được giảm dần, cháu bé ra nhập với cộng đồng cùng với mạng lưới y tế – giáo dục – văn hoá phát triển mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn và kể cả vùng sâu, vùng xa.

Vấn đề này đã có lệ từ xưa, không có gì mới mẻ. “ Họ nào đã có nề nếp sẵn thì cứ theo lệ cũ tiến hành”.

Đối với những họ mới phục hồi lại việc họ, chưa vào nền nếp, chúng tôi xin mách một vài kinh nghiệm:

Yết cáo tổ tiên: Theo lệ cũ chỉ sau khi đối chiếu gia phả, kiêng kỵ các trường hợp phạm huý (đặt tên trùng với tên huý của tố tiên và thân nhân gần gũi nhất, kế cả nội ngoại) mới chính thức đặt tên huý cho trẻ sơ sinh, yết cáo tổ tiên và xin vào sổ họ. Ngày nay phải làm thủ tục khai sinh kịp thời. Trường hợp ở xa quẽ, không kịp về đối chiếu gia phả, lỡ trùng tên huý tổ tiên trực hệ thì tìm cách đôi hoặc tránh gọi thường xuyên trong nhà. Lễ yết cáo tổ tiên rất đơn giản, nén hương, cơi trầu, chén rượu cũng xong, thường kết hợp lễ tế tổ hàng năm mà yết cáo chung tất cả con cháu trong họ sinh trong năm cùng một lượt. Lễ vào sổ họ cũng đơn giản, côt sao cho gia đình nghèo nhất trong họ cũng không gặp phải điều gì phiền phức.

Vào sổ họ: Thứ tự sổ họ ghi theo năm sinh, ai sinh trước ghi trước, sinh sau ghi sau. Trường hợp nhiều năm bị phế khoáng nay mới lập lại sổ họ thì phải thống kê theo đơn vị hộ gia đình hoàn chỉnh cả họ, sau đó mới lập số tiếp đốì với những trẻ sơ sinh.

Mẫu số: Họ Tên (Tên Huý. Tên thường gọi) con ông bà, thuộc đời thứ mấy, chi thứ mấy? Con trưởng hay con thứ mấy? Ngày tháng, năm, sinh, ngày vào sổ họ.

Con gái vào sổ họ: Bất cứ trai hay gái, sau khi sinh đều có yết cáo tổ tiên, đã được tổ tiên phù trì phù hộ. Nhưng nhiều họ ngày xưa không vào sổ họ đối với con gái, cho rằng: “Nữ nhân ngoại tộc”, con gái là con người ta, lớn lên đi làm dâu lo cơ nghiệp nhà chồng vì thế không công nhận con gái vào họ. Tuy vậy, ngay trước Cách mạng tháng Tám 1945 một số họ đã xoá bỏ điều bất công đó, con gái cũng có mọi quyền lợi nghĩa vụ như con trai.

Ngày nay, trong phong trào khôi phục việc họ, các họ đặc biệt quan tâm đến con gái và nàng dâu của họ, họ nào coi trọng vai trò phụ nữ và coi trọng vai trò người mẹ, người vợ, người cô, người chị, thì họ đó mới vững mạnh. Cả nước đang ra sức vận động kế hoạch hoá gia đình, con gái cũng như con trai, vậy nên vận dụng phong tục cũng phải phù hợp với tư duy thời đại.

 

Nguồn: https://congdongdanhgia.com